THUYẾT TRÌNH VỀ ĐẠO CAO ĐÀI TẠI HỘI NGHỊ QUỐC TẾ VỀ CÁC TÂN TÔN GIÁO TẠI ĐẠI HÀN

Cập nhật 2016-06-24 00:00:51

HỘI NGHỊ QUỐC TẾ VỀ CÁC TÂN TÔN GIÁO TẠI ĐẠI HÀN
CESNUR CONFERENCE – Seoul, Korea – July 5 – July 10, 2016
(Hoa Thịnh Đốn ngày 22/6/2016 - Lễ Sanh Ngọc Duyên Thanh)
 
Tổ chức CESNUR mà trụ sở chính đặt tại nước Ý, phối hợp với Viện Đại Học Daejin (Seoul, Korea)  đã mời Giáo Hữu Thượng Cảnh Thanh đến thuyết trình về Đạo Cao Đài tại Hội nghị nầy. Hội nghị sẽ được tổ chức ở VĐH Daejin từ ngày 5 đến 10 tháng 7 năm 2016. Sở dĩ Hội Nghị CESNUR mời Đạo Cao Đài, là vì trước kia, lúc Cơ Quan Truyền Giáo Hải Ngoại (CQTGHN) còn hoạt động, HH Trần Quang Cảnh với tư cách là Hội Trưởng Hội Đồng Đại Diện CQTGHN đã 2 lần hướng dẫn Phái đoàn CQTGHN tham dự Hội nghị nầy vào những năm 1999 và 2000, nhưng sau đó mất liên lạc vì CQTGHN giải tán.
 
CESNUR là chữ viết tắt của Center for Studies on New Religions, có nghĩa là Trung Tâm nghiên cứu các Tân Tôn Giáo. Hội Nghị các Tân Tôn giáo được tổ chức luân lưu ở nhiều nơi trên Thế giới, mỗi lần tổ chức có một chủ đề riêng. Thí dụ Hội Nghị CESNUR lần thứ 13 (13th International Conference) được tổ chức tại thành Phố Bryn Athyn (Tiểu Bang Pennsylvania, Hoa Kỳ) vào năm 1999 có chủ đề “Religions and Spiritual Minorities in the 20th century- Globalization and localization” (Tạm dịch : Các nhóm thiểu số về Tôn giáo và Thần linh trong Thế kỷ 20 - Tổng hợp toàn cầu và địa phương tính). Hội nghị CESNUR lần thứ 14 được tổ chức vào tháng 8 năm 2000 tại Viện Đại Học Riga , Thủ đô Riga, nước Cộng Hòa Latvia, một nước ở vùng Baltic thuộc Liên Xô củ.
 
 Năm nay 2016, Hội nghị CESNUR được tổ chức ở VĐH Daejin, Seoul, Đại Hàn vào các ngày 5 đến 10/7/2016. Phái đoàn Cao Đài TTTN đã được Hội nghị mời đến thuyết trình tại một phiên họp khoáng đại, chớ không phải đến góp mặt và thuyết trình trong một phiên họp nhóm với đề tài chuyên biệt. Lần nầy, Hội Nghị có hàng trăm tham dự viên, họ là những Học giả, những Giáo sư Tiến sĩ hiểu biết sâu rộng các vấn đề Tôn giáo trên thế giới. Sẽ có cuộc gặp gỡ và trao đổi bên lề giữa một số Nhà Nghiên cứu Tôn giáo và thành viên Phái đoàn về giáo lý Cao Đài, về những vấn đề Tôn giáo trên thế giới.
 
Nhắc lại, CQTGHN  đã 2 lần tham dự Hội nghị CESNUR, đó là Hội nghị thứ 13 và 14 vào các năm 1999 và 2000 như đã nói trên. HH Trần Quang Cảnh với tư cách là Đạo Hữu, lúc đó là Hội Trưởng Hội Đồng Đại Diện CQTGHN hướng dẫn đã tham dự và đọc thuyết trình. Lúc đó tuy hoan nghinh Phái đoàn Cao Đài, nhưng Hội nghị chỉ coi đó là một Đoàn thể Học giả Cao Đài chớ không phải là một Phái đoàn Tôn giáo, vì không có Chức sắc tham dự. Vị Chủ tịch Ban Chấp hành CESNUR lúc đó là Giáo sư Tiến sĩ Massimo Introvigne, một người tài giỏi nổi tiếng trong giới Đại Học Ý.  Thành phần Thuyết trình viên ở các Hội nghị nầy là các Giáo sư Tiến sĩ và các Học giả nổi danh ở các Đại học trên thế giới, hiểu biết sâu xa về các vấn đề tôn giáo.
 
Hội nghị 2016 lần nầy được tổ chức tại Á Châu lần thứ 2, lần thứ 1 tại Đài Loan năm 2011. Đặc biệt năm nay, Hội Nghị CESNUR được tổ chức tại Đại Hàn có chủ đề là “Religious movements in a Globalized world: Korea, Asia, and Beyond” (Tạm dịch : Những phong trào tôn giáo trong thế giới toàn cầu hóa: Đại Hàn, Á Châu và các Quốc Gia khác).
 
Hội Nghị CESNUR năm 2016 được đồng tổ chức bởi :
 
 - Trung Tâm Nghiên Cứu các Tân Tôn giáo (CESNUR, Ý Đại Lợi)
- Hiệp Hội Quốc tế nghiên cứu các Tân Tôn giáo (International Society for the study of New Religions -(ISSNR)
- Viện Nghiên cứu Đại Hàn về các Tân Tôn giáo ( Korean Academy of New Religions - KANR)
- Phân Khoa Thần học Daesoon , VĐH Daejin, Thành phố Seoul, Korea
 
Theo như chủ đề nói ở trên, Hội Nghị CESNUR năm nay nhằm vào hoạch định việc thảo luận làm sao thế giới trở nên toàn cầu hóa, và làm sao nó làm ảnh hưởng những thay đổi nội tại cũa nó vào phong trào và sự canh tân tôn giáo. Điều nầy trái với thảo luận tại Hội Nghị CESNUR năm 2014 ở Waco (Hoa Kỳ) là năm đó nhắm vào sự Toàn cầu hóa và làm sao những phong trào Tôn giáo thích ứng với những thay đổi bên ngoài và xã hội .
 
Hội Nghị CESNUR là một Hội Nghị chuyên đề về Tôn giáo. Nhiều diễn giả thuyết trình nhiều đề tài về Tôn giáo trong chủ đề đã hoạch định của Hội Nghị năm 2016 là các tôn giáo Á Châu và liên hệ. Tuy nhiên, các diễn giả tùy ý thuyết trình đề tài Tôn giáo nào minh muốn, chớ không nhất thiết trình bày trong khuôn khổ Tôn giáo của mình, hay Tôn giáo của nước mình. Do đó, Hội nghị có nhiều chủ đề thời sự nóng bỏng, thích ứng với thời cuộc hiện nay, cần đem ra bàn thảo, hơn là tư tưởng củ có tinh cách giáo điều của các tôn giáo lâu đời. Chẳng hạn, có những đề tài thuyết trình về Phong trào tôn giáo mới như  Tôn giáo ở Nhật, ở Đại Hàn, Đài Loan, Đạo Mormon, Do Thái giáo, Hồi giáo và Pháp Luân Công. Ngay đến những chủ đề về Tôn giáo củ, đề tài thuyết trinh cũng hướng về sự biến  đổi, sự canh tân hiện nay từ  những nền tảng củ.
 
Trong 2 ngày chánh thuyết trình, có tất cả 80 đề tài, trong đó có 5 đề tài nói đến Đạo Cao Đài. Có những đề tài được thuyết trình trong phiên họp khoáng đại (tất cả tham dự viên đều hiện diện), các đề tài còn lại được chia ra thành nhóm (tham dự viên thích đề tài nào thì chỉ đến phòng họp của đề tài đó để nghe). Theo chương trình phổ biến, Giáo Hữu Thượng Cảnh Thanh sẽ thuyết trình về Cao Đài tại một phiên họp khoáng đại. Xin vào trang nhà của Hội Nghị để xem chi tiết (http://www.cesnur.org/2016/daejin-program.htm)
 
Những đề tài thuyết trình nói đến Đạo Cao Đài gồm có:
 
-Common Ground and Sacred Exchange- An Overview of Theological Similarities and an Account of the Inter-Religious Activities among Caodaism, Oomoto, and Dao Yuan . (Thuyết trinh viên là Thạc Sĩ Jason Paul Greenberger (University of the West, Rosemead) và Canh Tran ( Trưởng Ban Đại Diện Hội Thánh Cao Đài tại Hải Ngoại ). Tạm dịch : "Bối cảnh chung và giao hảo thiêng liêng. Khái quát về những điểm tương đồng về thần học và tường thuật những sinh hoạt tôn giáo giữa Cao Đài, Oomoto và Tao Yuan."
 
-The Localization and Globalization of Vietnam-based New Religious Movements: Innovation and Transformation Within and beyond Asia (Tiến sĩ Ninh Thiên Hương, Đại học Bách Khoa , San Luis Obispo). Tạm dịch : Địa phương hóa và Toàn cầu hóa của các Phong Trào Tân Tôn Giáo tại Việt Nam : Sáng kiến và Biến đổi trong nước và ngoài các nước Châu Á.
 
-Esoteric current in Cao Đai: Inner Transformation and Millenarian Aspect (Grzegorz Fraszczak, VĐH Aberdeen, Ireland). Tạm dịch : Dòng chảy tâm linh trong Đạo Cao Đài : Sự chuyển hóa nội tâm và viễn ảnh ngàn năm.
 
-A Contrasting View of three Teachings in East Asian New Religions : Daesoonjinrihoe , I- Kuan Dao and Caodaism.( Lee Gyungwon , Đại Học Daejin, Pocheon city). Tạm dịch : Nét nhìn tương phản trong giáo lý của 3 nền tân Tôn Giáo Đông Á : Daesoonjinrihoe, Nhứt Quán Đạo và Đạo Cao Đài.
 
-The Best of Times, the Worst of Times, the End of Times: A Comparison of Eschatology in a Selection of Popular New Asian Religions (Jason Paul Greenberger - University of the West, Rosemead). Tạm dịch : Thời huy hoàng, Thời tối tăm, Thời Mạt kiếp : So sánh về Thuyết Mạt Thế qua sự giải thích của  một vài Tân Tôn Giáo Á Châu.
 
ÔN  CỐ  TRI  TÂN
 
Năm 1998, CQTGHN được thành lập. Chỉ một năm sau, năm 1999, CQTGHN lập Phái đoàn tham dự thuyết trinh tại một Hội Nghị về Tôn giáo Thế giới CESNUR ở VĐH Bryn Athyn, Philadelphia- Hoa Kỳ. Hội Nghi CESNUR là một Hội nghị chuyên đề về Tôn giáo, mà các Thuyết trình viên là những nhà nghiên cứu Tôn giáo có tiếng tăm khắp Thế giới. Không ít người nghĩ là  Phái đoàn CQTGHN quyết định tham dự Hội Nghị là một ý tưởng “táo bạo” và “viễn vong”. Bởi vì, Phái đoàn CQTGHN lúc đó không có một Chức sắc nào, cũng không có một Học giả Cao Đài có thể ăn nói trước một Hội nghị quốc tế lớn như Hội nghị CESNUR. Có thể nói nôm na , Phái đoàn Cao Đài lúc đó chỉ gồm những “ Tín đồ quèn”. Một trở ngại lớn nhất là theo đòi hỏi của Hội Nghị, Phái đoàn tham dự phải có một vị Giáo sư Tiến sĩ. Trở ngại tưởng như không qua được, thì  huyền diệu thay, Giáo sư Tiến sĩ Sergei Blagov, Giáo sư giảng dạy tại Đại Học Moscow (Nga) tình nguyện tháp tùng Phái đoàn. Rồi kế đến, Thạc Sĩ Christopher Hartney (Đại học Úc) cũng xin tháp tùng theo. Ơn Trên đã phò hộ cho Đạo Cao Đài. Mọi trở ngại đã hanh thông.
 
Xin vinh danh những đoàn viên của Phái đoàn CQTGHN lần đầu tiên ở Hải ngoại đưa Đạo Cao Đài trở lại trường Quốc tế sau mấy mươi năm bị chìm trong quên lãng. Đây là một Phái đoàn lịch sử. Xin kể: HH Trần Quang Cảnh, Hội Trưởng Hội Đồng Đại Diện CQTGHN làm Trưởng Phái đoàn. H Tỷ Nguyễn Ngọc Lan, CTS TT Montreal, Canada ( Đệ nhứt Phó Hội Trưởng CQTGHN) làm Phó Trưởng đoàn. Và độ 10 đoàn viên, gồm : HH Luật sự La văn Lực, HH Lê văn Cơ (Tổng Thơ ký CQTGHN), HH Lê văn Tua (TT Hoa Thạnh Đốn), HH Trần Thái Xương (CTS Hương Đạo Camden, New Jersey, Hoa kỳ), Hiền Muội Nguyễn Lan Anh (con của HT Nguyễn Ngọc Lan),  Đạo hữu Trần Hữu Thọ, và 3 đồng đạo của TT Camden. Ngoài ra tháp tùng Phái đoàn có: GSTS Sergei Blagov và Thạc sĩ Christopher Hartney.
 
Chủ đề của Hội Nghị CESNUR thứ 13, năm 1999 như đã nói trên có 78 đề tài thuyết trình, chia làm 22 Nhóm, mỗi nhóm Thuyết trình gồm 1 Vị Chủ Tọa , và 3 hay 4 Thuyết trinh viên, thời gian thuyết trinh là từ 1-1:30 giờ. Đạo Cao Đài được ghi vào Nhóm thứ 16, thuyết trình đề tài “ The Globalization of Caodaism”(Tính cách Tổng hợp toàn cầu của Đạo Cao Đài). Trái với sự suy nghĩ ban đầu  của nhiều người là Phái đoàn Cao Đài sẽ trở thành đơn độc, không lôi cuốn sự quan tâm trong Hội Nghị. Trái lại, trước tiên, chính bộ Đạo phục trắng tinh anh của Tín đồ Cao Đài đã gây chú ý và lòng cảm mến của Toàn thể Hội Nghị. Họ bắt đầu chú ý và muốn tìm hiểu một Tôn giáo mới có tên Cao Đài, xuất phát từ một nước Việt Nam nhỏ bé ở miền cực đông của quả Địa cầu.
 
Sau khi thuyết trình, Phái đoàn được hoan nghinh nhiệt liệt, vì nội dung bài Thuyết trình quá mới lạ và đầy tình người, kêu gọi một Thế giới đại đồng, đại đồng về chủng tộc, đại đồng về tôn giáo, trong khi thế giới đang đầy giẫy chiến tranh do  bạo lực và hận thù vì phân chia chủng tộc và phân chia tôn giáo, có nguy cơ đưa nhân loại đến ngày tận diệt. Nhiều Nhà Nghiên cứu Tôn giáo trên Thế giới đến niềm nở trao đổi ý kiến với Phái đoàn Cao Đài và tìm hiểu thêm về Đạo Cao Đài. Trong số những Nhà nghiên cứu Tôn giáo có tiếng tăm trên thế giới đó, chúng tôi ghi nhận 3 vị mà trong kỳ Hội nghị CESNUR 2016 nầy có mặt và đều có vai trò chủ yếu của Hội nghị. Đó là quí Vị: GSTS Massimo Introvigne, GSTS Dan Fefferman , GSTS J. Gordon Melton..
 
Giáo sư Massimo Introvigne là nhà Nghiên cứu tôn giáo tiếng tăm trong giới Đại học Ý, năm 1999 là Chủ tịch Ban Chấp hành CESNUR, biết và nghiên cứu rất nhiều về Cạo Đài, đã cho biết rất mừng là có Đạo Cao Đài hiện diện. Giáo sư Dan Fefferman, ở Washington DC, Hoa Kỳ, đã từng đến TTTN và rất ngưỡng mộ Đạo Cao Đài. Do đó, trước khi có Hội nghị CESNUR 13, ông Dan Fefferman, sau khi biết được HH Trần Quang Cảnh và CQTGHN thành lập năm 1998, ông vội liên lạc HH Trần Quang Cảnh và mời Phái đoàn Cao Đài tham dự Hội nghị Tôn giáo thế giới tại thành phố Sao Paulo (Brazil),với tư cách Thuyết trình viên, nhưng rất tiếc lời mời quá trể vì chỉ còn 4 ngày nữa thì Hội nghị khai mạc (tháng 6/1998). Đó là những người bạn củ sẽ tái ngộ trong kỳ Hội nghị CESNUR 2016 nầy.
 
Từ sự thành công của Phái đoàn CQTGHN ở Hội Nghị CESNUR 1999, nhiều Nhà nghiên cứu tôn giáo mới biết nhiều về Đạo Cao Đài. CQTGHN sau đó đi thuyết trình Đạo Cao Đài ở khắp các Đại Hội Tôn giáo thế giới và một số Đại Học trên Thế giới trong 8 năm hoạt động (1998-2006). Ngày hôm nay, năm 2016, Đạo Cao Đài lại xuất hiện tại Hội nghị về Tôn giáo CESNUR tại Hàn Quốc, với một tên tuổi đã tạo ra từ trước và có sự ngưỡng mộ của nhiều nhà nghiên cứu tôn giáo đã từng nghiên cứu Đạo Cao Đài, hiện diện trong Hội nghị nầy, sẽ là dàn phóng để đưa Đạo Cao Đài đi xa hơn trên trường Quốc tế.
 
Theo chúng tôi, sau khi đã biết Đạo Cao Đài qua Hội nghị, các nhà nghiên cứu Tôn giáo sẽ mời Phái đoàn Cao Đài đến thuyết trình ở các Đại học của họ, cho Ban Giảng huấn và sinh viên của họ nghe, để rồi mở lớp học Cao Đài tại VĐH của họ. Đây có thể không là ước mơ quá lớn của người tín đồ Cao Đài. Điển hình là Đạo Cao Đài đã được giảng dạy ở VĐH Dhaka ở Bangladesh và trong tương lai gần sẽ có thêm một Viện Đại Học ở Châu Âu giảng dạy môn Cao Đài. Đó là kết quả của những lần Phái đoàn đến thuyết trình tại những nơi này.
 
Sau đây là một vài hình ảnh của Hội Nghị CESNUR năm 1999 tại Đại Học Bryn Athyn, thành phố Philadelphia, tiểu bang Pennsylvania
 
Lễ sanh Ngọc Duyên Thanh
Washington DC, 22/6/2016
 
 
Phái Đoàn Cao Đài với GS Tiến Sĩ Massimo Introvigne tại Hội Nghị CESNUR năm 1999
 
 
Phái Đoàn Cao Đài với GS TS Gordon Melton (mặc complet xám)
 
 
Phái Đoàn Cao Đài tại Hội Nghị CESNUR 1999
 
 
Quang cảnh Hội Nghị CESNUR năm 1999 tại Đại Học Bryn Athyn, Philadelphia
 
 
GS Tiền Sĩ Sergei Blagov (Đại Học Moscow)
 
 
GS Tiến Sĩ Christopher Hartney (Đại Học Sydney, Úc)
 
 
Đạo hữu Nguyễn Lan Anh phân phát bài thuyết trình của Phái Đoàn Cao Đài